ĐỘC ĐÁO VỚI 04 LOẠI HÌNH VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG Ở KHÁNH SƠN

14/08/2019 | 2:37:00

1. ĐÀN ĐÁ KHÁNH SƠN

Đàn đá là loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Đàn đá Khánh Sơn được gia đình ông Bo Bo Ren tìm thấy khoảng năm 1947 khi một lần làm nương rẫy. Bộ đàn gồm 12 thanh đá, được đẽo gọt với độ lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau, thanh nặng nhất lên đến 30kg, nhẹ nhất cũng 9kg. Khi gõ vào thì tạo những âm thanh từ trong trẻo, trầm ấm đến cao vút.

Bộ đàn đá nguyên sơ được đồng bào Tây Nguyên dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên. Sau này đàn đá chủ yếu được tấu trong những ngày lễ hội: mừng lúa mới, mừng được mùa, ăn trâu, uống rượu cần. Ở góc độ nghệ thuật, đàn đá là loại nhạc cụ dân tộc được kết hợp với cồng, chiêng, đàn tơ-rưng, đàn tranh,...trong các buổi biểu diễn và sân khấu nghệ thuật để tạo thành bản hợp tấu mang âm hưởng quốc hồn quốc túy.





2. LỄ ĂN MỪNG LÚA RẪY

Lễ ăn mừng mùa thu hoạch lúa rẫy diễn ra vào Tháng 11, 12 âm lịch hằng năm. Xen giữa những đồi núi non điệp trùng xanh thẳm là những rẫy lúa chín vàng bạt ngàn của người dân Raglai nơi đây. Người Raglai quan niệm, vạn vật đều có linh hồn, cũng biết buồn, biết vui … nên khi thu hoạch lúa bà con chỉ được dùng tay để tuốt từng bông chứ không dùng liềm để cắt vì tin rằng sẽ làm đau thân lúa. Sau đó, họ sẽ chọn ra những hạt lúa căng tròn, khỏe mạnh cất giữ để dành làm giống cho mùa rẫy năm sau. Lễ ăn mừng có nghi thức giã lúa lấy gạo, nấu cơm, gói bánh, làm ché “tapai” từ lúa mới, bà con còn hát ca, nhảy múa, đánh chiêng trống quanh đống lửa,...với mong muốn tạ ơn tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng được bội thu trong những mùa rẫy về sau.





3. TRANG PHỤC RAGLAI

Người nữ Raglai mặc cà chăn/váy màu đen có từ 5 đến mười đường hoa văn vòng quanh từ gấu váy lên ngang gối; vòng hoa văn dưới cùng màu đỏ, các vòng bên trên màu trắng. Người Raglai có loại áo chui đầu (gọi theo kiểu dáng); còn được gọi là áo khoang (gọi theo màu sắc - vì thân áo và ống tay áo gồm hai màu trắng đen xen kẽ nhau thành từng khoang từ dưới lên)

Người nam Raglai mặc cà giọt/khố và áo khoang. Lưng buộc dây thắt lưng. Cả nữ và nam đều có khăn vấn đầu. Ngoài trang phục sử dụng thường ngày cho từng giới còn có trang phục lễ hội, trang phục cho từng đối tượng khác nhau trong xã hội. 





4. SỬ THI

Trong những đêm lễ hội, già trẻ trong Plây ( buôn làng) thường ngồi quây quần bên ánh lửa trong nhà dài để nghe hát sử thi. Đó là những câu chuyện, kể về những anh hùng, những chàng trai vạm vỡ như Udai-Ujàc, là người đội lốt thú như Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi hay là người phụ nữ như Awơi nãi Tilơr đấu tranh chống lại thần rừng, thần biển bảo vệ người dân…Các câu chuyện trong sử thi Raglai luôn gợi lên hình ảnh những anh hùng trong trí tưởng tượng. Đó là những nhân vật lịch sử, họ uy nghi, mạnh mẽ làm được những việc phi thường. Mỗi một tác phẩm sử thi rất đồ sộ, người Raglai không có chữ viết nên sử thi được truyền khẩu từ đời này sang đời khác và người ta nhớ bằng trí óc của mình.


GTOMedia