LỄ HỘI TRÁI CÂY KHÁNH SƠN LẦN I – NĂM 2019

16/08/2019 | 12:00:00

LỄ HỘI TRÁI CÂY KHÁNH SƠN LẦN I – NĂM 2019

Thời gian: 17 & 18/08/2019

Địa điểm: Quảng trường 20/11, Thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa



I. Về Khánh Sơn

Là một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Khánh Hòa, nằm trên độ cao 1,000m so với mực nước biển, giáp với Cam Ranh gần 40km nhưng trong đó đã có 10km đường đèo quanh co hùng vĩ đến nao lòng.

Không phải tự nhiên mà Khánh Sơn được ví như “Đà Lạt thứ hai” của Việt Nam. Vượt đèo giấc sáng sớm, du khách sẽ dễ siêu lòng trước bức tranh phong cảnh tuyệt vời với những dải sương mù kết dài thành những làn mây trắng bao trùm cả không gian núi rừng. Khi hoàng hôn buông xuống, từ trên đỉnh đèo sẽ bắt gặp cả thung lũng Ba Cụm Bắc bình yên ngập trong ánh chiều buông. Thấp thoáng xa xa những cánh chim bay về rừng, những mái nhà e ấp trong làn sương mỏng cuối ngày như một bức tranh tuyệt mỹ trên triền núi.

Khánh Sơn có khí hậu ôn hòa, thay đổi theo “bốn mùa trong một ngày”, thổ nhưỡng phù hợp để hình thành vùng chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó có nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và mang lại thương hiệu riêng như: sầu riêng, bưởi da xanh, quýt, măng cụt, chôm chôm, chuối, mía tím,...Đặc biệt là thương hiệu nổi tiếng sầu riêng Khánh Sơn đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam.

II. Đặc trưng văn hóa, con người

1. Đàn đá Khánh Sơn

Đàn đá là loại nhạc cụ cổ sơ nhất của loài người. Đàn đá Khánh Sơn được gia đình ông Bo Bo Ren tìm thấy khoảng năm 1947 khi một lần làm nương rẫy. Bộ đàn gồm 12 thanh đá, được đẽo gọt với độ lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau, thanh nặng nhất lên đến 30kg, nhẹ nhất cũng 9kg. Khi gõ vào thì tạo những âm thanh từ trong trẻo, trầm ấm đến cao vút.

Bộ đàn đá nguyên sơ được đồng bào Tây Nguyên dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên. Sau này đàn đá chủ yếu được tấu trong những ngày lễ hội: mừng lúa mới, mừng được mùa, ăn trâu, uống rượu cần. Ở góc độ nghệ thuật, đàn đá là loại nhạc cụ dân tộc được kết hợp với cồng, chiêng, đàn tơ-rưng, đàn tranh,...trong các buổi biểu diễn và sân khấu nghệ thuật để tạo thành bản hợp tấu mang âm hưởng quốc hồn quốc túy.

2. Lễ ăn mừng lúa rẫy

Lễ ăn mừng mùa thu hoạch lúa rẫy diễn ra vào Tháng 11, 12 âm lịch hằng năm. Xen giữa những đồi núi non điệp trùng xanh thẳm là những rẫy lúa chín vàng bạt ngàn của người dân Raglai nơi đây. Người Raglai quan niệm, vạn vật đều có linh hồn, cũng biết buồn, biết vui … nên khi thu hoạch lúa bà con chỉ được dùng tay để tuốt từng bông chứ không dùng liềm để cắt vì tin rằng sẽ làm đau thân lúa. Sau đó, họ sẽ chọn ra những hạt lúa căng tròn, khỏe mạnh cất giữ để dành làm giống cho mùa rẫy năm sau. Lễ ăn mừng có nghi thức giã lúa lấy gạo, nấu cơm, gói bánh, làm ché “tapai” từ lúa mới, bà con còn hát ca, nhảy múa, đánh chiêng trống quanh đống lửa,...với mong muốn tạ ơn tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hoà, mùa màng được bội thu trong những mùa rẫy về sau.

3. Trang phục Raglai

Người nữ Raglai mặc cà chăn/váy màu đen có từ 5 đến mười đường hoa văn vòng quanh từ gấu váy lên ngang gối; vòng hoa văn dưới cùng màu đỏ, các vòng bên trên màu trắng. Người Raglai có loại áo chui đầu (gọi theo kiểu dáng); còn được gọi là áo khoang (gọi theo màu sắc - vì thân áo và ống tay áo gồm hai màu trắng đen xen kẽ nhau thành từng khoang từ dưới lên)

Người nam Raglai mặc cà giọt/khố và áo khoang. Lưng buộc dây thắt lưng. Cả nữ và nam đều có khăn vấn đầu. Ngoài trang phục sử dụng thường ngày cho từng giới còn có trang phục lễ hội, trang phục cho từng đối tượng khác nhau trong xã hội.

4. Sử thi Raglai

Trong những đêm lễ hội, già trẻ trong Plây (buôn làng) thường ngồi quây quần bên ánh lửa trong nhà dài để nghe hát sử thi. Đó là những câu chuyện, kể về những anh hùng, những chàng trai vạm vỡ như Udai-Ujàc, là người đội lốt thú như Amã Chisa - Amã cuvau Vongcơi hay là người phụ nữ như Awơi nãi Tilơr đấu tranh chống lại thần rừng, thần biển bảo vệ người dân…Các câu chuyện trong sử thi Raglai luôn gợi lên hình ảnh những anh hùng trong trí tưởng tượng. Đó là những nhân vật lịch sử, họ uy nghi, mạnh mẽ làm được những việc phi thường. Mỗi một tác phẩm sử thi rất đồ sộ, người Raglai không có chữ viết nên sử thi được truyền khẩu từ đời này sang đời khác và người ta nhớ bằng trí óc của mình.

III. Địa danh nổi tiếng

1. Đỉnh đèo Khánh Sơn

Là ranh giới giữa 02 huyện miền núi Khánh Sơn và miền thuỳ dương cát trắng Cam Lâm. Từ trên đỉnh đèo xã Ba Cụm Bắc (huyện Khánh Sơn) bạn có thể bao quát thành phố Cam Ranh từ trên cao và một phần của huyện Cam Lâm.

Đây là địa điểm lý tưởng để các phượt thủ trải nghiệm được cả cảnh hoàng hôn tráng lệ, đốt lửa trại thâu đêm để thấy thành phố lên đèn và cùng ngắm cảnh "Nữ thần mặt trời" vươn những tia nắng ban mai đầu tiên trên biển Đông vào sáng sớm ngày hôm sau.

2. Thác Ngà Voi (còn gọi là Thác Tà Gụ)

Thác Ngà Voi ở xã Sơn Hiệp là một trong những điểm đến đẹp nhất ở tỉnh Khánh Hòa. Thác nằm giáp với Lâm Đồng nên khí hậu có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Gọi là Ngà Voi bởi khi dòng thác từ độ cao 40m đổ xuống thì chẻ đôi.

Cây cỏ quanh thác dịu dàng vào mùa Xuân, tiếng “gầm gừ” mạnh mẽ vào mùa Hè, màu sắc sống động khi Thu đến và mùa Đông nó cũng có sự quyến rũ đến kỳ lạ. Tiếng thác nước đổ quanh năm, lúc thì thầm thì, khi thì ầm vang giống lời tâm sự, than khóc về nỗi nhớ nhung của Voi mẹ dành cho Voi con như trong tích truyện mà đồng bào Raglai từng truyền kể lại cho nhau.

3. Tà Giang - Sơn Thái & Đồi cỏ tranh Yên Ngựa

Xuất phát từ Thôn Tà Giang, xã Thành Sơn trên độ cao 1000m so với mực nước biển, trekker có thể nhìn bao quát vô số cảnh quang: từ Rừng nguyên sinh, đồi cỏ tranh, rừng lồ ô, suối thác, động thực vật phong phú trên cung đường Trekking Tà Giang - Sơn Thái. Đặc biệt, đồi Yên Ngựa là địa điểm "săn mây" lý tưởng, thu hút nhiều bạn trẻ yêu thích thiên nhiên tìm đến khám phá. Bởi nét đẹp của núi, cùng cánh đồng cỏ tranh mênh mông và lãng mạn nên phượt thủ thỏa thích lưu lại những thước ảnh đẹp ảo diệu tại nơi đây.

4. Thác Dốc Quy

Nằm trên địa bàn xã Sơn Lâm, là một ngọn thác có dòng nước quanh năm mát lành. Từ trên cao, dòng nước trắng trong đổ xuống, bên cạnh tảng đá tròn lẵn không hề gây nguy hiểm khi khách đứng tắm thác hoặc các bãi đất quanh thác cũng khá bằng phẳng thuận tiện cho việc cắm trại dã ngoại.

Du khách đến đây để lánh xa sự ồn ào và khói bụi của thành phố, ngâm mình thoải mái trong dòng nước suối mát lạnh chảy từ các vách đá trên cao dội lên cơ thể, hòa mình với khung cảnh thiên nhiên xanh mát của những cây cổ thụ, chìm trong tiếng chim rừng líu lo. Ngoài ra, bạn còn được lấp đầy cái bụng đói bằng món “gà thả núi rừng” nướng tại chỗ của người Raglai.

5. Thác Cà-Zôn

Thác nước tuyệt đẹp này, nằm sâu trong khu rừng già thuộc địa phận xã Sơn Bình, mất  khoảng hai tiếng đồng hồ trekking đường rừng, du khách sẽ được ngắm thác nước kỳ vĩ với độ cao khoảng chừng 60m. Dòng chảy của thác khá êm dịu không quá mạnh mẽ, xiết dòng.

Đến với cà -Zôn là đến với hệ sinh thái nguyên sinh, du khách sẽ được tận hưởng không khí trong lành, không gian tĩnh lặng và yên bình, ngồi lắng nghe tiếng gió đại ngàn, tiếng nước chảy róc rách qua những tảng đá như bản giao hưởng núi rừng thật hoang sơ, ngọt ngào. Du khách không khó để ngắm những đóa phong lan khoe sắc, hay bắt gặp những chú sóc dễ thương “chơi trò rượt bắt” chuyền qua trên những nhánh lồ ồ.

IV. Đặc sản trái cây

1. Sầu riêng Khánh Sơn

Sầu riêng được mệnh danh là “vua của các loại trái cây” ở các nước Đông Nam Á. Đến với vùng đất Khánh Sơn, hãy gọi sầu riêng bằng cái tên rất riêng và đầy đủ -Sầu riêng Khánh Sơn- vì loại trái cây này đã được Bộ khoa học công nghệ chứng nhận độc quyền ở VN.

Sầu riêng Khánh Sơn một năm chỉ cho thu hoạch một lần từ Tháng 7 đến Tháng 9 Âm lịch. Trọng lượng quả dao động từ 3.5 – 4kg, màu xanh hơi nhạt, giá bán dao động theo từng loại, trong đó nổi tiếng là sầu riêng Hoàng Long, Chín Hóa, Ri6, Monthong từ 50.000 – 80.000đ/kg.

Sầu riêng Khánh Sơn mang một hương vị đậm đà khó diễn tả, hội tụ đủ các yếu tố ngon, ngọt, thơm, hạt lép mà quan trọng nhất là đến tận nhà vườn Khánh Sơn vào mùa này là tận hưởng sầu riêng chín cây 100%!

2. Bưởi da xanh Khánh Sơn

Thủ phủ bưởi da xanh Khánh Sơn đứng thứ 2 toàn Tỉnh hiện nay đang sở hữu gần 150ha cây trồng. Bưởi da xanh là giống trái cây mới nằm trong danh sách 1 trong 5 cây chủ lực kinh tế được đưa vào canh tác tại các huyện miền núi của Tỉnh Khánh Hòa.

Sau 3 đến 4 năm trồng, cây sẽ cho thu hoạch và kéo dài trong 10 năm. Giống bưởi da xanh do chăm sóc chu đáo sẽ cho ra quả quanh năm, quả ra nhiều nhất là khoảng tháng 7 trở đi. Năng suất trung bình đạt từ 1 - 1,2 tạ/cây. Bưởi da xanh có chất lượng đặc biệt: mọng nước, múi dày, vị ngọt thanh, trái to. Giá thị trường bình quân từ 40.000 - 50.000 đồng/kg.

3. Chôm chôm Khánh Sơn

Chôm chôm Khánh Sơn – loại cây trồng được người dân trồng trọt từ năm 1998 đến nay. Điểm nhận biết loại quả này là trái to, quả đẹp, gai cứng, cùi dày, ở trong cơm giòn, hột nhỏ, vị ngọt thanh.

Do diện tích trồng chôm chôm ở Khánh Sơn không nhiều, thời gian thu hoạch ở đây chậm hơn 1 tháng so với nơi khác, nên khi vừa ra trái, chôm chôm Khánh Sơn đã được các lái thương “săn đón”, đến đặt mua tận vườn.

Chôm chôm Khánh Sơn cũng tư hào “xướng” tên vào danh sách những loại trái cây nên thưởng thức khi đến với Khánh Hòa. Giá bán tại nhà vườn dao động từ 15.000 – 25.000 đồng/kg.

4. Măng cụt Khánh Sơn

Hiện nay, diện tích trồng cây măng cụt trên địa bàn huyện Khánh Sơn lên tới 110 ha. Măng cụt có đặc tính dễ chăm sóc, ít sâu bệnh và rất phù hợp với thổ nhưỡng Khánh Sơn. Khi vào mùa, nông dân thu hoạch được từ 1,2 - 1,7 tấn/ha. Giá bán liên tục tăng qua các năm và hiện nay dao động từ 30.000 - 60.000 đồng/kg.


*** Năm nay, “Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ I năm 2019” được UBND Huyện Khánh Sơn phối hợp với Công ty CP Truyền thông GTO tổ chức nhằm thúc đẩy quảng bá thế mạnh nông nghiệp của huyện nhà; giúp người nông dân giới thiệu các loại trái cây ngon và đặc trưng tại địa phương; khuyến khích nhà vườn trồng và áp dụng tiến bộ khoa họa kỹ thuật vào quy trình trồng trọt, hỗ trợ xúc tiến đầu ra với sản phẩm trái cây của một huyện miền núi tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh đó, Lễ hội còn là nơi kết nối cung cầu, tạo ra cơ hội hợp tác, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong quá trình sản xuất. Nhân dịp này, người nông dân Khánh Sơn được giới thiệu hình ảnh, con người, ẩm thực, sản phẩm du lịch đến du khách trong và ngoài nước.

Lễ hội sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/08, tại Quảng trưởng 20-11 thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa với số lượng khách tham quan dự kiến trên 5,000 lượt/ngày. Các hoạt động chính của lễ hội gồm: Hội thi trái cây ngon; các trò chơi dân gian; tổ chức giải việt dã Sức trẻ Khánh Sơn; hội thảo xây dựng nền nông nghiệp sạch phát triển bền vững; hội thi Già làng khéo tay; trưng bày trái cây nghệ thuật; liên hoan ẩm thực…Bên cạnh đó, trong khuôn viên tổ chức còn được bố trí 20 – 30 gian hàng để trưng bày các loại trái cây đặc sản của huyện nhà.

Lễ hội trái cây huyện Khánh Sơn lần thứ I năm 2019 chính thức khai mạc vào lúc 19h00 ngày 17/08 tại Quảng trưởng 20-11 thị trấn Tô Hạp, Khánh Sơn – Khánh Hòa.

---------------------------------------

Mọi thông tin chi tiết về truyền thông, tài trợ, tham quan xin vui lòng liên hệ:

GTO Media – Hotline: 0902.121.919

GTOMedia